Phong trào đi phượt ở Việt Nam xuất hiện nhiều biến tướng. Nhiều đoàn phượt thủ ngang nhiên vào đường cao tốc, tự ý chặn xe hay tổ chức đua xe trái phép.


Những cụm từ "phượt" hay "phượt thủ" không còn quá xa lạ trong những năm gần đây, đặc biệt là giới trẻ. Ban đầu, phượt dùng để chỉ hành trình du lịch bụi của cá nhân hoặc hội nhóm.
Phượt trải nghiệm (Ảnh sưu tầm)

Phượt đang bị biến tướng

Thời gian gần đây, phong trào này bắt đầu có những biến tướng. Những cụm từ mới như "tour điên", "phượt bạo lực" cũng xuất hiện thường xuyên trên các diễn đàn, hội nhóm phượt thủ.
Quan điểm "phượt" là khám phá những vùng đất mới, ghi lại những hình ảnh đẹp dần ít đi. Thay vào đó là một số đoàn xe lao với tốc độ chóng mặt trên những cung đường, ngang nhiên chặn xe hay tự ý bật còi ưu tiên.
Cộng đồng mạng không ít lần sôi sục với những hình ảnh xấu xí mà những phượt thủ mang lại. Với những từ khóa trên Google như ‘’phượt thủ xả rác’’, ‘’phượt thủ phá hoại khu du lịch’’ hay ‘’phượt thủ ăn nho trên giàn’’...sẽ có hàng tá bức hình liên quan.

Phượt xả rác (Ảnh sưu tầm)
Gần đây nhất là sự việc đoàn phượt nối đuôi nhau chạy trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ vào ngày 18/11 hay đoàn phượt ngang nhiên chặn xe xin đường hơn 10 phút tại thành phố Nam Định vào trưa ngày 11/11 gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Không biết từ bao giờ, nhiều phượt thủ tự cho mình quyền "ưu tiên" như vậy.


Những cuộc đua ẩn mình trong hành trình phượt

Biến tướng đáng sợ nhất là một số phượt thủ đem mạng sống của mình ra đánh cược.
Ngày 1/11, một nữ phượt thủ nhận lời cá cược với số tiền 10 triệu đồng với điều kiện hoàn thành chặng đường từ Đà Lạt về TP.HCM trong thời gian 4h30 phút. Nếu phượt thủ hoàn thành cung đường đó trong thời gian đã giao hẹn trước thì thắng tiền.
Với thời gian 4h15 phút, nữ phượt thủ này đã thắng cược, "chiến tích" được khoe lên mạng xã hội và nhận khá nhiều ý kiến trái chiều. Đa số ý kiến đều cho rằng hành vi cá cược và đua trên mạng sống của nữ phượt thủ gây nguy hiểm cho bản thân và cộng đồng.
Vài ngày sau đó, một nhóm người sử dụng xe phân khối lớn cũng thực hiện thử thách tương tự nhưng với thời gian đáng kinh ngạc: 2h16 phút. Quãng đường hơn 310 km, trung bình mỗi giờ chạy khoảng 150 km, chưa kể điều kiện giao thông, thời gian nạp nhiên liệu và nghỉ ngơi.

Nữ phượt thủ cá cược "đua" từ Đà Lạt về TP.HCM trong 4 tiếng 30 phút. Ảnh: FBNV.
Theo một thành viên trong đoàn, tốc độ di chuyển của đoàn có lúc lên đến hơn 200 km/h. Tuy không biết mục đích bên trong của cuộc ‘’đua’’ này là gì nhưng với tốc độ cực nhanh như vậy, nó thực sự là mối quan ngại đối với những người tham gia giao thông khác.
Chiều 23/11, một đoàn môtô phân khối lớn từ hướng TP.HCM ngang nhiên đi vào đường cao tốc Liên Khương - đèo Prenn với tốc độ 160 km/h. Nhận tin báo, Cảnh sát giao thông Lâm Đồng và Công an huyện Đức Trọng chốt chặn tại trạm thu phí Định An, ra hiệu dừng xe.
Nhưng đoàn môtô "thông chốt" bất chấp hiệu lệnh. Cảnh sát không tiếp tục truy đuổi mà đón ở điểm cuối đường cao tốc qua huyện Đức Trọng, ghi nhận hình ảnh, biển số xe để xử phạt.
Trước Đà Lạt, thành phố biển Vũng Tàu cũng đã có chiến dịch riêng đối với môtô phân khối lớn. 
Vào tháng 2, một phượt thủ Việt Nam hối lộ 10 USD cho 2 cảnh sát tại thủ đô Phnom Penh vì lỗi vượt đèn đỏ. Hai viên cảnh sát bị kỷ luật sau khi đoạn video mà phượt thủ ghi lại được tung lên mạng.
Phượt thủ này nhận nhiều chỉ trích từ cộng đồng chơi xe Việt Nam vì hành động không đẹp khi vừa hối lộ và tung clip tố cáo 2 viên cảnh sát Campuchia, trong khi hành vi của anh hoàn toàn sai luật.
Đoạn đèo Bokor, Campuchia là một địa điểm du lịch nổi tiếng bởi vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên, không khí dễ chịu và cách cửa khẩu Xà Xía (Hà Tiên) chỉ 10 km. Cung đường này được nhiều phượt thủ Việt Nam yêu thích. Những năm 2015-2016, đường đến với Bokor khá dễ dàng, chỉ cần xuất trình passport và giấy đăng ký xe. Đó cũng là lý do mà đoạn đèo này dần trở thành ‘’đường đua’’ của giới phượt thủ Việt Nam.
Ngày 1/11, một fanpage xe có tên Pol Rider của Campuchia đã đăng tải đoạn clip ghi lại cảnh một nhóm thanh niên chặn xe hai đầu, tổ chức đua và nẹt pô ầm ĩ trên đoạn đèo này. Trong video, một số xe mang biển kiểm soát tỉnh Kiên Giang và đoàn xe này cũng nhanh chóng được xác nhận là từ Việt Nam sang. 
Đoàn 'phượt thủ' nối đuôi nhau chạy bon bon trên cao tốc Đoạn video được quay sáng 18/11, một nhóm các bạn trẻ đi xe máy trên cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ, gây mất an toàn giao thông.

"Những đoàn xe máy từ Việt Nam tổ chức đua xe trái phép ở núi Bokor. Họ ngang nhiên và coi thường luật pháp. Xin hãy chia sẻ video này để tránh nhầm lẫn với người dân đi xe máy, những chiếc xe này đến từ Việt Nam và họ đang đua trên mọi nẻo đường tỉnh của chúng tôi", fanpage Pol Rider chú thích trong video.

Văn hóa phượt xuất phát từ phương Tây, nhưng chúng ta nên học hỏi cái hay của họ, còn chúng ta không thể chơi theo cách của họ 100%, đường xá Việt Nam không cho phép chúng ta lao xe với tốc độ như họ.
Văn hóa đi phượt không phải là điều xấu, thậm chí nó là một nét chơi lành mạnh và đáng được phổ biến. Những hành vi thiếu ý thức của một số cá nhân, hội nhóm phần nào làm ảnh hưởng đến cả cộng đồng chơi xe nói chung và cộng đồng đam mê phượt hai bánh tại Việt Nam, dần biến khái niệm "văn hóa" thành "thú chơi" khiến những người tham gia giao thông ngao ngán.

Đoàn phượt tự ý chặn đường, đi vào cao tốc là phạm luật

Từ năm 2015, Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Tổng cục Đường bộ cũng đã nghiên cứu việc thí điểm cho môtô phân khối lớn vào cao tốc để xin chủ trương từ Chính phủ.
"Hiện tại việc này vẫn chưa được thông qua và chúng ta nên tiếp tục chờ đợi. Nếu những người chơi xe môtô bất chấp chạy vào đường cao tốc khi pháp luật chưa cho phép càng làm kiến nghị trên khó được thông qua", anh Thành Phương - chủ tịch CLB môtô thể thao HD-Sài Gòn cho biết.

Hành động chặn xe của nhóm phượt thủ tại Nam Định (Ảnh sưu tầm)
Trao đổi với Zing.vn về hành động chặn xe của nhóm phượt thủ tại Nam Định, anh Phương cho rằng đây là việc làm hoàn toàn sai. Theo anh Phương, không một đoàn xe nào có quyền tự ý chặn đường giao thông để di chuyển thành đoàn dài như thế, trừ khi có giấy phép từ Sở Văn hóa và Thể Thao và Liên đoàn xe đạp-môtô thể thao.
"Tôi từng nhiều lần dẫn đoàn môtô đi những cung đường dài nhưng chưa bao giờ dám chặn xe của người dân để ưu tiên đoàn mình. Chúng ta chỉ được phép ra dấu xin đường để người dân chú ý đoàn xe dài, chứ không được chặn xe hoặc ra hiệu lệnh. Đặc biệt khi đi trong khu đô thị, đoàn phải di chuyển chậm, hạn chế vượt ẩu tránh gây ảnh hưởng người đi đường, chứ đừng nói đến việc chặn xe người khác, đó là vi phạm luật pháp", anh Phương nói.
Luật sư Trần Minh Hùng - Đoàn luật sư TP.HCM cho biết việc tự ý chặn đường của nhóm phượt thủ tại Nam Định là hành vi vi phạm pháp luật. Bởi đây là hành vi tự phát, là hành vi cấm đường trái với quy định tại Điều 35 Luật giao thông đường bộ 2008, phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp gây hậu quả lớn, người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, còn nếu chỉ gây ùn tắc giao thông sẽ bị xử phạt hành chính, cụ thể theo điểm đ khoản 4 Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông thì phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng.
Trường hợp các đoàn xe có nhu cầu sử dụng đường bộ để tiến hành các hoạt động thì phải là hoạt động do cơ quan, tổ chức và phải được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền thống nhất bằng văn bản về phương án bảo đảm giao thông trước khi xin phép tổ chức các hoạt động trên theo quy định của pháp luật
Luật sư Hùng cũng cho biết, đối với hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 35 km/h sẽ bị phạt tiền từ 7-8 triệu đồng. Nếu người điều khiển môtô xe máy vào đường cấm sẽ bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng, nếu đi vào đường cao tốc, mức phạt tiền là từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Đối với hành vi chạy quá tốc độ của đoàn xe trên nhưng lại không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ thì phạt tiền từ 10-14 triệu đồng.
Báo Phượt tổng hợp từ Zing.vn



Tags: du lịch phượtphượtvăn hóa phượt
Skip to main content