Sau những cuộc vui, nhiều nhóm du lịch bụi lại “quên” ý thức bảo vệ môi trường và giữ gìn cảnh quan, không để ý đến việc dọn dẹp “hậu quả” để lại, làm xấu đi mỹ quan của cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ.




Hiểu một cách đơn giản, phượt là một hình thức du lịch “bụi”. Trên thực tế, đây không còn là trào lưu, như một cách thể hiện mình nữa, mà là một nhu cầu trong cuộc sống của nhiều người trẻ. Hình ảnh dễ dàng bắt gặp trong những ngày đầu năm này là những nhóm bạn trẻ cùng nhau du xuân trên những nẻo đường. Từ thành phố tới khắp các bản làng vùng cao Tây Bắc, Tây Nam bộ, hay thậm chí là xuyên biên giới... Họ đi để khám phá những miền đất lạ, những thắng cảnh đẹp.


Phượt Bình Liêu khám phá cột mốc 1305

Bạn Nguyễn Thị Vân (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: Mùa xuân là mùa đẹp nhất trong năm nên năm nào cũng vậy, cứ xuân về là mình cùng các bạn lại tụ tập làm vài chuyến phượt về các vùng miền. Lúc thì Sa Pa, lúc Mộc Châu, Sơn La, Nha Trang, Đà Lạt… mỗi chuyến đi mang lại cho mình nhiều kỷ niệm đẹp, biết thêm được nhiều phong tục tập quán, lễ hội ở các địa phương.


Chỉ cần gõ từ khóa trên google, nhiều tên miền về các nhóm phượt hiện ra. Trên cách trang web hay trang facebook của cộng đồng cùng sở thích này, số lượng thành viên tham gia khá đông, lên tới con số hàng nghìn người. Qua các chia sẻ, mọi người có thể nhanh chóng tìm được thông tin và gia nhập dễ dàng. Dân phượt ở Việt Nam có nhiều nhóm, chủ yếu là giới trẻ, trong các nhóm có sự lẫn lộn những người phượt đích thực và những người đi du lịch đơn thuần. Họ đều chung đam mê chinh phục thiên nhiên và tìm hiểu những vùng đất mới.

Tuy nhiên, bên cạnh việc khám phá các cung đường, văn hóa các vùng miền thì gần đây hình thức du lịch bụi kiểu này cũng đang có những biến tướng không đẹp. Nhiều bạn trẻ mượn danh phượt để vô tư hái hoa, bẻ cành, thậm chí dẫm nát cả vườn cây để chụp ảnh. Nhiều nhóm đi vào ban đêm song lại rú ga, cười đùa ầm ĩ làm mất giấc ngủ của người dân ven đường.


Nhóm Phượt thủ bị CSGT kiểm tra

Anh Trần Mạnh Cường (Hà Nội) chia sẻ, thế hệ của chúng tôi bắt đầu manh nha của phượt, ngày trước yêu cầu đầu tiên mà các nhóm đặt ra là tôn trọng văn hóa, không gian sống của người dân bản địa. Thế nên, vào bản có gì là ăn nấy, nằm đâu là ngủ đấy. Mình có cầm chai nước lọc xuống uống thì cũng phải cầm cái vỏ chai về chứ không để lại. Thế nhưng giờ đây, các nhóm phượt tổ chức nhậu nhẹt tùm lum, rác xả bừa bãi. Nhiều nhóm chỉ chăm chăm chụp ảnh, check in mà không quan tâm tìm hiểu người dân bản địa ăn uống như thế nào, sinh hoạt ra sao.


Nhóm Phượt thủ xả rác

Trên các diễn đàn mạng có thể thấy không ít những hình ảnh xấu xí về dân phượt như đống rác lớn trên núi Hàm Lợn (Sóc Sơn, Hà Nội), những phượt thủ khỏa thân trên đỉnh Tà Xùa (Sơn La), hay nằm ngủ vô tư trong rãnh nước bên đường vì say rượu, bật nhạc thật to để nhẩy múa ngay giữa đường quốc lộ… Nhưng sau những cuộc vui như thế, nhiều nhóm du lịch bụi lại“quên” ý thức bảo vệ môi trường và giữ gìn cảnh quan, không để ý đến việc dọn dẹp “hậu quả” để lại, làm xấu đi mỹ quan của cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ…

Và một vấn đề nữa là an toàn khi di chuyển trên các cung đường, như câu chuyện hai chị em ở trên cũng cho thấy mức độ nguy hiểm khi đi nhanh quá mức cần thiết. Đã từng có những tai nạn thương tâm xảy ra. Như mới đây thôi, cộng đồng phượt tại Việt Nam rúng động và xót xa trước thông tin về vụ tai nạn nghiêm trọng trong một chuyến du lịch bụi của group “Gia đình phượt”, với 60 người đi xe máy theo cung đường Hà Nội - Mộc Châu vào ban đêm. Tai nạn giao thông của thành viên trong nhóm khiến một bạn nữ tử vong và một bạn nam phải nhập viện vì chấn thương nặng…




Đó chính là hồi chuông cảnh báo cho những người có ý tưởng về phượt đường trường. Người viết hy vọng các bạn trẻ khi tham gia các chuyến đi như thế này sẽ có ý thức hơn trong những cuộc hành trình của mình. Hơn nữa, các bạn trẻ cũng nên tìm hiểu kỹ hơn về những vùng đất mình sẽ đến, cũng như những quy tắc an toàn trên đường phượt để đảm bảo sự an toàn cho bản thân và bạn đồng hành.


Báo Phượt tổng hợp


Tags: du lich phuotdu lịch phượtphuotvăn hóa phượt
Skip to main content